Tọa đàm báo chí: hỗ trợ nâng cao năng lực giúp giới truyền thông đưa tin về an toàn thực phẩm tại Việt Nam một cách chính xác hơn

Để hưởng ứng Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới lần thứ 4 (7 tháng 6 năm 2022), tọa đàm báo chí ‘Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm (ATTP) tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí–trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật’ được tổ chức tại Hà Nội vào cùng ngày với sự tham dự của khoảng 40 phóng viên và nhà nghiên cứu Việt Nam, từ các ngành khác nhau (y tế, thú y, nông nghiệp). Hội thảo nhằm mục đích thảo luận những cách thức truyền thông các thông điệp về ATTP đến công chúng một cách hiệu quả hơn.

Thịt lợn chưa được chế biến chín tiềm ẩn nguy cơ gây ra một số bệnh lây truyền qua thực phẩm (ảnh: ILRI/Chi Nguyễn).

Tọa đàm thuộc khuôn khổ dự án ‘Các phương pháp dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn tại Việt Nam’ (gọi tắt là SafePORK), do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ, và được đồng tổ chức bởi Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Hội Nhà báo Việt Nam và Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI).

Thông qua buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu về ATTP cung cấp thông tin chính xác dựa trên nghiên cứu về những thách thức do thực phẩm không an toàn gây ra đối với sức khỏe con người. Tọa đàm hướng tới các nhà báo vì quan trò quan trọng của họ trong việc truyền tải các thông tin về ATTP từ các nhà nghiên cứu đến với công chúng.

Ở Việt Nam, nói đến vấn đề ATTP, công chúng quan tâm nhiều đến vấn đề ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, TS Fred Unger, trưởng dự án SafePORK, trưởng đại diện ILRI tại Đông Nam Á cho biết ‘Các nghiên cứu gần đây cho thấy những bằng chứng rõ ràng về ô nhiễm vi sinh trên thịt lợn, thịt gà và thịt bò. Lãnh đạo các cơ quan quản lý về ATTP và các nhà báo cũng có xu hướng dễ hiểu lầm (về nguy cơ ô nhiễm hóa chất)’.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về ATTP, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh các thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình phòng tránh những thực phẩm không an toàn. ‘Chính vì vậy, cần có giải pháp kết nối các nhà nghiên cứu và các cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ ATTP hiệu quả hơn, đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng’, theo TS Phạm Đức Phúc, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế Công cộng – một trong những đối tác triển khai chính của dự án SafePORK.

Tại cuộc họp, các nghiên cứu viên về ATTP từ dự án SafePORK và các nghiên cứu viên từ dự án Trung tâm Gia cầm Một Sức khỏe do Quỹ Nghiên cứu Thách thức Toàn cầu Đổi mới Nghiên cứu Vương quốc Anh tài trợ chia sẻ những phát hiện về ô nhiễm vi sinh trên thịt lợn và gia cầm và khuyến nghị các biện pháp giúp cải thiện ATTP theo chuỗi giá trị. Đại diện Cục ATTP và đại diện khu vực tư nhân chia sẻ một số thách thức trong truyền thông nguy cơ về ATTP. Sau đó, các nhà nghiên cứu và các nhà báo cùng thảo luận để tìm hiểu sự khác biệt giữa các biện pháp truyền thông nguy cơ trong khoa học và trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó khuyến nghị các chiến lược tiềm năng giúp chuyển tải thông tin khoa học về ATTP đến công chúng thông qua các công cụ truyền thông đại chúng một cách hiệu quả hơn.

Các nhà báo cũng có cơ hội trao đổi với một số chuyên gia đến từ Cục ATTP, Nhóm công tác về ATTP tại Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trường Đại học Y tế Công cộng và khu vực tư nhân để hiểu rõ hơn về các khái niệm, định nghĩa về ATTP và cách thức truyền tải các bằng chứng khoa học trên phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng những kênh và chiến lược phù hợp.

Ông Trần Thái Sơn, Phó trưởng ban, Ban nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam cho biết tọa đàm là ‘diễn đàn để các nhà báo đang theo dõi mảng nông nghiệp, thực phẩm trong nước, các chuyên gia và những đơn vị phát triển sản phẩm nông nghiệp chia sẻ thông tin, trao đổi các góc nhìn chuyên môn về đánh giá an toàn thực phẩm cho một số sản phẩm đầu vào nông nghiệp. Qua đó thảo luận xu hướng truyền thông trong vấn đề này và nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học và có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khoẻ con người.’

Những khuyến nghị và kết quả từ hội thảo đóng vai trò quan trọng cho những nỗ lực chung giữa các nhà nghiên cứu và các nhà báo nhằm cải thiện công tác truyền thông những kết quả nghiên cứu về ATTP tới công chúng.

Liên hệ:

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Chi, cán bộ truyền thông, Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), c.nguyen@cgiar.org

Chị Nguyễn Đỗ Họa Mi, Phó Trưởng phòng Đối ngoại Hội nhà báo VN,  qhqt.vja@gmail.com

-30-

Phần thông tin dành cho nhà báo:

Trường Đại học Y tế Công cộng (HUPH) là đơn vị đi đầu về đào tạo Y tế công cộng. Tầm nhìn của HUPH là trở thành một đơn vị đào tạo và nghiên cứu cấp khu vực. Trung tâm Nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), được thành lập tháng 6 năm 2012, là một trung tâm nghiên cứu của HUPH tập trung vào nghiên cứu liên ngành. CENPHER đặt trọng tâm vào ba hướng phát triển – nghiên cứu, đào tạo và cung cấp dịch vụ – để thúc đẩy mối liên kết giữa y tế và môi trường ở Việt Nam và trong khu vực.

Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) làm việc với các đối tác trên toàn cầu để nâng cao vai trò của chăn nuôi đối với an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo, chủ yếu ở Châu Phi và Châu Á. Sứ mệnh của ILRI là cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng như giảm nghèo ở các nước đang phát triển thông qua nghiên cứu chăn nuôi hiệu quả, an toàn và bền vững — đảm bảo cuộc sống tốt hơn nhờ chăn nuôi. http://www.ilri.org

‘Các phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn ở Việt Nam’, còn gọi là dự án SafePORK (2017–2022) nhằm quản lý tốt hơn các nguy cơ về ATTP ở Việt Nam thông qua việc thiết kế và thử nghiệm các biện pháp can thiệp phù hợp với các chuỗi giá trị thịt lợn chính thức và không chính thức, từ các test nhanh chi phí rẻ đến các chương trình xây dựng thương hiệu và / hoặc chứng nhận cho các sản phẩm thịt lợn. Dự án khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Dự án do ILRI hợp tác với Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Viện Chăn nuôi (NIAS) và Đại học Sydney của Australia thực hiện. Dự án do ACIAR tài trợ.