Thông cáo báo chí: Khởi động sáng kiến mới dựa vào chăn nuôi giúp cải thiện sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới ở vùng cao Tây Bắc
Trong hai ngày 20-21 tháng 04 năm 2022 đã diễn ra hội thảo khởi động sáng kiến mới của One CGIAR ‘Sáng kiến năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới’ (gọi tắt là SAPLING) tại tỉnh Sơn La. Hội thảo có sự tham dự của khoảng 80 đại biểu, là đại diện của chính quyền địa phương các cấp, nông dân, khu vực tư nhân, nhóm cán bộ nghiên cứu SAPLING nhằm tìm giải pháp giúp chuyển đổi ngành chăn nuôi ở khu vực Tây Bắc, giúp ngành chăn nuôi gia tăng năng suất, khả năng phục hồi, tính công bằng và bền vững hơn.
Tại tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn tổng dân số của tỉnh, với tỷ lệ đói nghèo, suy dinh dưỡng và bất bình đẳng giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số ở mức cao nhất. Mặc dù sinh kế của họ phụ thuộc rất nhiều vào nông nghiệp, lĩnh vực này, đặc biệt là ngành chăn nuôi phải đối mặt với một số thách thức chính bao gồm năng suất và hiệu quả chăn nuôi thấp, quản lý an toàn thực phẩm chưa hiệu quả, an ninh dinh dưỡng chưa được đảm bảo, quyền ra quyết định ở mức thấp trong cộng đồng dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế và khả năng cạnh tranh thị trường thấp. Sáng kiến SAPLING sẽ giúp cung cấp một số giải pháp giải quyết những thách thức này và sẽ góp phần vào chiến lược chăn nuôi quốc gia được phê duyệt gần đây cho giai đoạn 2021-2030, trong đó tập trung vào phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản lý dịch bệnh, bảo vệ môi trường và tăng cường an toàn thực phẩm. Sáng kiến SAPLING hướng tới giúp người chăn nuôi lợn, bò thịt và gà tham gia vào các chuỗi giá trị để đạt được lợi ích năng suất bền vững góp phần cải thiện sinh kế.
Một nông dân tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang cho bò ăn (ảnh: Lường Văn Dũng).
SAPLING nhấn mạnh vào phương pháp đồng thiết kế và tham gia của tất cả các đối tác khu vực công và tư nhân, trong suốt chu kỳ dự án, để cùng đưa ra các gói đổi mới phù hợp với nhu cầu của các chuỗi giá trị chăn nuôi toàn diện và bền vững tại khu vực Tây Bắc, theo bà Mary Otieno, cán bộ nghiên cứu của Liên minh Bioversity International và CIAT (ABC) và cán bộ điều phối dự án SAPLING tại Việt Nam.
Cuộc họp khởi động được tổ chức giúp tăng cường việc triển khai thực hiện sáng kiến SAPLING. Trong ngày đầu tiên của hội thảo, nhóm cán bộ dự án SAPLING đã giới thiệu sáng kiến và các chuỗi giá trị lợn, bò và gà. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã làm việc và thảo luận với các đối tác và các bên liên quan để xây dựng Lý thuyết thay đổi (TOC), trong đó làm rõ thêm các mục tiêu, kết quả mong đợi và các gói cải tiến trong ba năm tới của dự án, và chọn địa bàn ưu tiên của dự án.
Trong ngày thứ hai của hội thảo, các đại biểu đã xem xét và hoàn thiện Lý thuyết thay đổi, bao gồm việc xác định các khoảng trống, các chủ thể và tác nhân tham gia và các giả định cần thiết để có thể thực hiện được các gói cải tiến, đồng thời thảo luận về kế hoạch ưu tiên các gói cải tiến thông qua sử dụng phân tích đánh đổi và đánh giá mức độ sẵn sàng nhân rộng, và thống nhất về vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan và kế hoạch, lịch trình cho các hoạt động chính.
TS Fred Unger, trưởng đại diện Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại Việt Nam, một trong hai đơn vị tham gia điều phối dự án SAPLING tại Việt Nam cho biết: ‘Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện sinh kế, khả năng của nông dân để thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động chăn nuôi ở tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc. Dự án giúp giải quyết những thách thức liên kết với nhau trong cách tiếp cận hệ thống, từ sức khỏe động vật, di truyền động vật, thức ăn chăn nuôi, dinh dưỡng và chuỗi giá trị. Dự án được xây dựng dựa trên dự án Li-chăn đã được triển khai trước đó tại tỉnh Sơn La từ năm 2019 đến 2021. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền và người dân địa phương trong việc chuyển đổi ngành chăn nuôi vì cuộc sống tốt đẹp hơn. ILRI cùng với Liên minh Bioversity và CIAT (ABC) mong muốn hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác trong nước và quốc tế.’
Các khuyến nghị và kết quả từ hội thảo đóng vai trò rất quan trọng đối với nhóm dự án SAPLING trong việc thiết kế chương trình, kế hoạch làm việc và các địa bàn dự án.
SAPLING là một trong 32 sáng kiến được tài trợ bởi One CGIAR, được thiết kế trên toàn cầu hướng tới một thế giới với các hệ thống thực phẩm, đất và nước bền vững và linh hoạt, cung cấp chế độ ăn uống đa dạng, lành mạnh, an toàn, đầy đủ với giá cả phải chăng hơn, và đảm bảo cải thiện sinh kế và bình đẳng xã hội tốt hơn. SAPLING đặt mục tiêu sẽ giúp khoảng một triệu người chăn nuôi gia súc, gà, động vật nhai lại nhỏ và lợn (một nửa trong số đó là phụ nữ) được tham gia vào các chuỗi giá trị và đạt được mức tăng năng suất bền vững hơn vào năm 2024. Việt Nam là một trong sáu quốc gia trọng điểm (Ethiopia, Mali, Nepal, Tanzania, Uganda và Việt Nam) của sáng kiến SAPLING. Tại Việt Nam, sáng kiến này được điều phối bởi Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Liên minh Bioversity International và CIAT (ABC).
-30-
Thông tin liên hệ:
- Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, cán bộ truyền thông, ILRI, c.nguyen@cgiar.org, +84 (0)936 066 152
Thông tin cho nhà báo:
CGIAR là quan hệ đối tác nghiên cứu nông nghiệp toàn cầu vì một tương lai đảm bảo an ninh lương thực. Nghiên cứu của CGIAR được thực hiện bởi 15 trung tâm nghiên cứu, phối hợp với hàng trăm tổ chức đối tác. www.cgiar.org
Chuyển đổi hướng tới One CGIAR
Một CGIAR là một cải cách năng động của quan hệ đối tác, kiến thức, tài sản và sự hiện diện toàn cầu của CGIAR, nhằm mục đích hội nhập và tác động lớn hơn khi đối mặt với những thách thức phụ thuộc lẫn nhau mà thế giới ngày nay phải đối mặt. https://www.cgiar.org/food-security-impact/one-cgiar/
Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) làm việc với các đối tác trên toàn cầu để nâng cao vai trò của chăn nuôi đối với an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, chủ yếu ở Châu Phi và Châu Á. Sứ mệnh của ILRI là cải thiện an ninh lương thực và dinh dưỡng cũng như giảm nghèo ở các nước đang phát triển thông qua nghiên cứu sử dụng chăn nuôi hiệu quả, an toàn và bền vững — đảm bảo cuộc sống tốt hơn nhờ chăn nuôi. Tại Việt Nam, ILRI điều phối hai hợp phần về an toàn thực phẩm và cải thiện sức khỏe con người của chương trình A4NH. http://www.ilri.org
Liên minh Bioversity International và CIAT cung cấp các giải pháp dựa trên nghiên cứu nhằm khai thác đa dạng sinh học nông nghiệp và chuyển đổi bền vững hệ thống lương thực để cải thiện cuộc sống của con người. Các giải pháp của liên minh giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu về suy dinh dưỡng, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và suy thoái môi trường. Liên minh CIAT điều phối chương trình A4NH tại Việt Nam. https://alliancebioversityciat.org/