Nghiên cứu mới cho thấy khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn Salmonella trong các mẫu thịt lợn tại các cửa hàng bán lẻ và cơ sở giết mổ ở Việt Nam
Vào ngày 29 tháng 3 năm 2022, bài báo ‘Phân tích khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn Salmonella trên thịt lợn từ các cửa hàng bán lẻ và giết mổ ở Việt Nam bằng phương pháp giải trình tự gen‘ đã được xuất bản trên tạp chí quốc tế Frontiers in Veterinary Science. Nghiên cứu đã phân tích 69 mẫu gen vi khuẩn Salmonella (NTS) thu thập từ các chuỗi bán lẻ thịt lợn và cơ sở giết mổ để đánh giá mức độ kháng kháng sinh. Nghiên cứu cũng tìm hiểu liệu các cửa hàng bán lẻ như siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích hoặc các cửa hàng cao cấp, đóng vai trò như thế nào trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên thịt lợn.
Mức độ kháng kháng sinh và nhiễm Salmonella cao là một vấn đề nổi cộm ở Việt Nam, nơi có có tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn chiếm hơn 70% tổng lượng các loại thịt được tiêu thụ. Trong những năm gần đây, vấn đề kháng kháng sinh của các chủng Salmonella có xu hướng gia tăng do lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Đáng lo ngại là những vi khuẩn kháng thuốc này có khả năng truyền sang người, khiến các bệnh nhiễm trùng trở nên khó điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh như colistin, loại kháng sinh mạnh nhất chống lại vi khuẩn đa kháng thuốc. Hệ quả của sự phát triển kháng kháng sinh rất đáng lo ngại, do vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tiêu chảy, với khoảng nửa triệu ca tử vong ở trẻ em mỗi năm trên toàn cầu.
Nghiên cứu sử dụng giải trình tự bộ gen và phân tích thông tin sinh học của các vi khuẩn Salmonella phân lập từ hai dự án: PigRISK (2012-17) và SafePORK (2018-2022) do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR) tài trợ, với sự hỗ trợ của Chương trình Nghiên cứu CGIAR về Nông nghiệp cho Dinh dưỡng và Sức khỏe (A4NH). Phân tích các mẫu thịt lợn thu thập từ Hưng Yên, Nghệ An và Hà Nội, kết quả cho thấy vi khuẩn Salmonella có mức kháng kháng sinh cao. Bên cạnh khả năng kháng colistin, mức kháng kháng sinh cao cũng được tìm thấy đối với các loại kháng sinh như ampicillin, piperacillin và một số loại kháng sinh khác mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh trên người.
Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề lây nhiễm vi khuẩn trên thực phẩm và kháng kháng sinh thông qua các sáng kiến như “Cửa hàng xanh – chương trình sản phẩm nông nghiệp an toàn” được thiết kế để cung cấp cho người tiêu dùng nguồn sản phẩm thịt thân thiện với môi trường, có thể truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt về ATTP trên thịt. Các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc được tìm thấy trong tất cả các mẫu từ nguồn bán lẻ, trong đó các lò giết mổ có tỷ lệ xuất hiện vi khuẩn kháng thuốc cao nhất (83,3%), siêu thị (71,4%) và các cửa hàng bán lẻ cao cấp (60%). Điều này cho thấy chưa có sự khác biệt đáng kể về mức độ ô nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh ở thịt lợn bán tại các cửa hàng này so với các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý Việt Nam đã có những phương án và nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức và ứng phó với kháng kháng sinh như một phần của kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc trong lĩnh vực sức khỏe con người (2013) và trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (2017 và 2021). Một số sáng kiến và dự án quốc tế đã và đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia này, đặc biệt trong lĩnh vực nâng cao năng lực giám sát.
Đọc thêm thông tin về dự án SafePORK click here
Đọc thêm thông tin về một số can thiệp có thể giúp tránh được các bệnh lây truyền qua thịt lợn tại miền Bắc, Việt Nam click here
Đọc thêm thông tin về các chuỗi giá trị thịt lợn điển hình tại Việt Nam click here