Thông cáo báo chí: Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Alexandre Yersin qua thước phim tài liệu truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi làm việc nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng

Hôm nay, ngày 1 tháng 3 năm 2022, Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) phối hợp cùng một số đại sứ quán, viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam giới thiệu phim tài liệu “Cuộc đời phi thường của Alexandre Yersin (1863-1943) “, giúp truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y tế và phát triển, áp dụng cách tiếp cận Một Sức khỏe (One Health) giúp giải quyết các bệnh lây truyền từ động vật sang người trong bối cảnh xuất hiện nhiều bệnh mới nổi như đại dịch COVID-19 hiện nay.

Alexandre Yersin (1863-1943) là một bác sĩ người Pháp gốc Thụy Sỹ, đã dành phần lớn cuộc đời làm việc tại Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ 20. Là một nhà vi khuẩn học, một thương nhân trong lĩnh vực y tế công cộng, ông đã có những đóng góp to lớn, và trong vai trò là một bác sĩ, ông được người dân Việt Nam rất yêu quý, mến mộ.

Thước phim tài liệu của đạo diễn Stéphane Kleeb, được sản xuất bởi Công ty Vitascope Independent Film &Video Productions GmbH nhấn mạnh một số thành tựu trong sự nghiệp của bác sĩ Yersin tại Việt Nam và thảo luận một số bài học kinh nghiệm đúc rút từ những nghiên cứu liên ngành và công việc của ông phục vụ cộng đồng bản xứ.  

TS Nguyễn Việt Hùng, nhân vật thoại trong bộ phim, hiện là đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe Động vật và Con người tại ILRI. Trước đó, ông đã từng công tác tại Viện Nhiệt đới và Y tế Công cộng Thụy Sĩ và Trường Đại học Y tế Công cộng. Ra mắt vào dịp kỷ niệm 79 năm ngày mất của Yersin, bộ phim tài liệu phản ánh tấm gương cuộc đời đầy cống hiến của ông, có thể tác động và truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu y tế và phát triển.

Yersin được nhớ đến nhiều nhất trong cộng đồng y tế ngày nay là người phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis). Ông phát hiện ra trực khuẩn dịch hạch tại Hồng Kông vào năm 1894, với những phương  tiện nghiên cứu rất hạn chế. Ông cũng đã phát hiện ra loại trực khuẩn gây bệnh trên con người (Yersinia pestis) cũng gây bệnh cho những loài gặm nhấm. Đây là bệnh truyền lây giữa động vật và người.  

Yersin thành lập trường y khoa đầu tiên của Đông Dương, hiện là Trường Đại học Y Hà Nội vào năm 1902. Tại đây, ông đảm nhận vai trò hiệu trưởng trong hai năm đầu tiên. Trường Đại học Y Hà Nội hiện là trường y lớn nhất tại Việt Nam, nhưng tại thời điểm đó đã không có đủ giảng viên đảm nhận công tác giảng dạy. “Yersin tự giảng dạy các môn động vật học, vật lý, và các môn khác vì không đủ giáo viên”, TS Hùng nói – điều mà chúng ta biết từ những lá thư hàng tuần ông viết gửi cho mẹ tại Thụy Sĩ.

“Bởi vì Yersin gắn liền với thời đại đó, nên một số người nghĩ về ông như một người đô hộ”, TS Hùng nói, “Nhưng khi bạn đọc tất cả các tài liệu và nhìn cách ông yêu thương con người bản xứ, giúp đỡ người bệnh, trẻ em bạn sẽ thấy rằng đây không phải là hình ảnh của một thực dân.”

‘Đối với những người làm nghiên cứu như tôi, một trong những điều truyền cảm hứng nhất từ Yersin đó chính là khả năng ông có thể làm việc liên ngành’.

‘Ông đã nghiên cứu và áp dụng cách tiếp cận mà ngày nay chúng ta gọi tên là Một Sức khỏe. Ông nghiên cứu về bệnh lây truyền từ động vật sang người, ông huy động nguồn lực từ nhiều người trong các lĩnh vực khác nhau, huy động các nguồn lực khác nhau. Tất cả những gì chúng ta đang làm hiện nay đã được ông thực hiện từ cách đây cả thế kỷ.’ TS Hùng chia sẻ.

Trong số những thành tựu mà Yersin đạt được phải kể đến việc ông thành lập các công ty sản xuất kháng huyết thanh bệnh dịch hạch ở Ấn Độ và Việt Nam; nhập giống cây canh ki na và trồng để sử dụng tại Việt Nam, mở đồn điền trồng cây cao su và xuất khẩu. Ông cũng là người khám phá ra vùng đất mới, sau này trở thành một điểm dừng chân yêu thích của người Pháp tại Việt Nam, có khí hậu gần giống như châu Âu, đó là Đà Lạt ngày nay. Những năm sau đó, ông còn được bổ nhiệm làm giám đốc danh dự của Viện Pasteur ở Paris, nơi ông đã liên kết làm việc trong nhiều năm.

Chính tại Việt Nam, sự cống hiến của Yersin có thể cảm nhận được sâu sắc nhất, trong các tổ chức mà ông đã hỗ trợ thành lập hoặc mang tên ông, và trong ký ức của những người dân mà ông đã tận hiến trong nhiều thập kỷ.

Cùng tham gia giới thiệu phóng sự có Đại sứ quán Thụy Sĩ, Đại sứ quán Pháp, Đại học Yersin Đà Lạt, Trường Đại học Y tế Công cộng, Hội d’Adaly Montpellier – Pháp, và Hội Ái mộ Alexandre Yersin tỉnh Khánh Hòa.

Đường link phim có phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt: https://youtu.be/mxoRTvO2c1o

Đường link phim có lựa chọn hoặc không kèm phụ đề hoặc phụ đề tiếng Pháp/Anh/Việt: https://youtu.be/c88-mCVfna4

-30-

Thông tin dành cho nhà báo:

CGIAR là quan hệ đối tác nghiên cứu nông nghiệp toàn cầu giúp đảm bảo an ninh lương thực. Nghiên cứu của CGIAR được thực hiện bởi 15 trung tâm nghiên cứu phối hợp với hàng trăm tổ chức đối tác www.cgiar.org

One CGIAR là mô hình cải tổ năng động về quan hệ đối tác, kiến thức, tài sản và sự hiện diện toàn cầu của CGIAR, nhằm mục đích hội nhập và đem lại tác động lớn hơn, trước những thách thức mà thế giới ngày nay phải đối mặt. https://www.cgiar.org/food-security-impact/one-cgiar/ Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) làm việc với các đối tác trên toàn cầu giúp tăng cường vai trò của chăn nuôi đối với an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo, chủ yếu ở châu Phi và châu Á. Sứ mệnh của ILRI là cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và giảm nghèo tại các quốc gia đang phát triển thông qua nghiên cứu chăn nuôi hiệu quả, an toàn và bền vững – giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ chăn nuôi. http://www.ilri.org